TẠI SAO TRẺ ĂN VẠ?
-
Lượt xem: 104 - Ngày đăng: 17/03/2023 15:39:59
TẠI SAO TRẺ ĂN VẠ?
Trong bài này mình dùng từ ăn vạ để nói chung cho các hành động khi trẻ tức giận như càu nhàu, la hét, khóc, đánh bạn, lăn ra đất,… Các hành động này thường xảy ra trong giai đoạn 1 đến 3 tuổi.
Có phải trẻ hư mới hay ăn vạ? Không. Ăn vạ là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang phát triển rất tốt.
1. Trẻ đang cần sự giúp đỡ. Ăn vạ thường xảy ra khi trẻ gần 2 tuổi. Mọi người hay gọi là khủng hoảng tuổi lên 2, hay lên 3, mình ko thích cụm từ này vì nó gợi lên sự tiêu cực mà quên đi vấn đề cốt lõi là trẻ đang chới với. Trẻ ăn vạ vì không biết các phương pháp hiệu quả hơn.
2. Giới hạn ngôn ngữ. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu biết nói, việc nhận ra mình có khả năng ngôn ngữ nhưng ko biểu đạt được hết ý làm trẻ khó chịu.
3. Trẻ muốn tự lập và làm chủ thế giới của mình. Việc muốn tự làm mọi việc nhưng khả năng có hạn làm trẻ cáu khi nhận ra mình không thể có tất cả những thứ mình muốn.
4. Tác động của yếu tố bên ngoài. Khi trẻ mệt, buồn ngủ, đói bụng, quá chán hoặc có quá nhiều sự kích thích (ừ vui thôi đừng vui quá), tần suất ăn vạ sẽ nhiều hơn.
Làm gì khi ăn vạ xảy ra?
1. Giữ bình tĩnh và kiệm lời, tôn trọng và cảm thông với trẻ dù lý do có vô lý đến mức nào. “Con buồn vì không được đi chơi hả?” “Con tức giận vì muốn chơi đồ chơi của bạn hả?” Những câu nói này sẽ giúp trẻ dịu lại khi được lắng nghe. Trẻ cũng sẽ học được ngôn ngữ biểu lộ cảm xúc, việc này rất quan trọng cho kỹ năng tiết chế cảm xúc sau này. Trong tương lai gần, trẻ sẽ dùng chính ngôn ngữ này khi không vui thay vì ăn vạ.
2. Đưa ra một giải pháp ngắn gọn “Con đợi bạn chơi xong rồi mình chơi nhé” “Hay con chơi với cái xe này không?”
Làm sao để bạn sống sót qua giai đoạn này?
1. Thay đổi sự mong đợi của bạn. Người lớn cũng đôi khi bị mất bình tĩnh, không kiểm soát được hành động và lời nói. Việc một đứa trẻ chỉ mới tồn tại 2-3 năm trên đời ăn vạ 84 lần/ngày cũng không đáng ngạc nhiên. Mỗi khi trẻ ăn vạ là một cơ hội để bạn hướng dẫn cách xử lý vấn đề cho những lần sau.
2. Đừng lo, bạn không thể làm hư trẻ bằng tình yêu. Việc cho trẻ thấy sự cảm thông không phải là “vẽ đường cho hươu chạy” như nhiều người vẫn nghĩ. Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi công việc không suôn sẻ, bạn quay về tâm sự với người thân và cái bạn nhận được là “thôi đi đừng khóc nữa, chuyện có cái gì đâu”? Thay vào đó, một cái chạm tay, cái ôm hay câu nói “có anh/em ở đây” sẽ ấm áp biết chừng nào. So sánh này không khập khiễng đâu, việc mất một món đồ chơi với trẻ nó nghiêm trọng như khi mình bị mất việc vậy.
Bên cạnh đó, việc lập ra các giới hạn cũng rất quan trọng. Đây là điều quyết định bạn có nuông chiều và làm hư trẻ hay không. Liệu các hình phạt truyền thống (la mắng, răn đe, đánh, úp mặt vô tường, vô góc phòng ngồi suy nghĩ,…) có thực sự hiệu quả về lâu dài? Mình sẽ viết ở những bài sau.
Trưa nay mình đã trở thành bà mẹ tồi tệ nhất thế giới vì mình ko thể làm cho con chó trong quyển sách sủa gâu gâu như con mình muốn. Thiệt không có ai tệ hơn bà mẹ này!