doctruyencuoi.com.vn

CHO PHÉP TRẺ LỰA CHỌN CŨNG CÓ NHỮNG CÁI BẪY

  •  Lượt xem: 95 - Ngày đăng: 23/06/2023 18:05:48


   Trong hành trình lớn lên, không ít lần chúng ta bị bỏ qua ý kiến của mình, không dám nói ra suy nghĩ, phản biện hay theo đuổi điều mình muốn. Khi có con, ta không muốn lặp lại điều ấy với con. Ngay từ bé, con được trao quyền và thoải mái làm theo ý muốn nhiều hơn. Đó là một điều đúng đắn khi ta làm nó đúng đắn, cũng như cái gì quá cũng không hẳn tốt. Mỗi cư xử với con, ta đều nên ý thức nó có chủ ý, có chủ đích, mà không phải thực hiện hình thức theo một công thức được cho là tốt.
Rất có thể chúng mình sẽ nhìn thấy bản thân ở những ví dụ dưới đây, mặc dù không cố ý hay muốn con nhận được thông điệp như vậy...
1. Đưa ra sự lựa chọn không thực tế, thậm chí thái quá hay đe dọa với hi vọng con sẽ chọn cái này thay vì cái khác.
Đến lúc phải ra ngoài rồi nhưng con vẫn mải chơi đồ chơi : “ con muốn đi cùng bố mẹ hay ở đây một mình” nhưng thực tế, chắc bạn sẽ không để đứa con ba tuổi ở lại nơi nào đó một mình đâu, phải không!
Hoặc “ con muốn dọn đồ chơi vào hay muốn mẹ dọn rồi vứt đi” thế rồi con có thể chọn tự dọn nhưng vừa làm vừa chơi nốt, hoặc con chẳng chọn điều gì hết, mặc cho bạn tự đấu tranh với chính mình, nên vứt hay không vì còn hơi tiếc.
Khi đã đưa ra lựa chọn nghĩa ta phải tôn trọng sự quyết định của con dù con chọn thế nào. Vì thế, khi đưa những lựa chọn ta không thể thực hiện với hi vọng mong manh rằng con chọn cái này thay vì cái kia, tức tự đưa mình vào thế khó. Nếu con đã chọn, sau đó ta lại cố thuyết phục con phải thay đổi thì đó không còn là tôn trọng mà là đang dụ dỗ, đe dọa. Con sẽ nghi hoặc, bản thân có phải không thể tự đưa ra quyết định nào đúng đắn không, hay dù mình chọn thế nào thì cũng phải chọn cái bố mẹ muốn, vậy chọn, để làm gì.
2. Đưa ra lựa chọn thiếu phù hợp với sự hiểu biết của con, thiếu sự chỉ dẫn.
Ở thời kỳ ăn dặm, điều ấy có thể diễn biến thế này : chúng ta tôn trọng nhu cầu ăn của con, nhưng khi con chưa có nhu cầu, ta bắt con chọn một là ăn, hai là nhịn. Khi con đói, có nhu cầu ăn, ta lại cố quyết, không ăn thì phải nhịn tiếp đến tối, có khi cắt cả bữa phụ. Có thể ta không từng nói ra nhưng hành động thì đang đưa thông điệp cho con lựa chọn giữa hai việc đó.
Thay vào đó, ta có thể nhẹ nhàng dọn bàn ăn rồi cho con biết chỉ cần con đói thì sẽ được ăn sau. Ngoài ra, ta xem xét những lý do dẫn đến khả năng con không ăn đúng bữa để điều chỉnh.
Hoặc, sau khi ăn ở nhà hàng, vì không muốn con ăn trên xe/sợ con ăn no quá, ta cho con hai quả dâu cùng thỏa thuận, nhưng sau đó con đòi ăn tiếp và con phải lựa chọn “con không ăn nữa hoặc nếu ăn thì phải ăn hết cả hộp” - con chọn được ăn rồi từ đó sợ không dám ăn dâu nữa.
Ngay từ đầu, ta có thể để con quyết định số lượng có thể ăn, ba hay bốn quả… hoặc nếu đã có thỏa thuận thì ta chỉ cần làm theo : "chúng ta đã có thỏa thuận chỉ ăn thêm hai quả này sau đó lên xe đi về, nếu muốn ăn thêm, con có thể giữ hộp dâu, con được ăn sau khi về đến nơi / sau khi ngủ dậy… "
Một ranh giới mỏng manh giữa áp đặt - trừng phạt với trao quyền - nhận hệ quả logic. Đôi khi ta vô tình mắc vào điều này nhưng bản thân cũng khó nhận ra. Khi đó, ta thường muốn đạt được mục đích của mình nhiều hơn việc thực sự muốn nghe ý kiến từ con. Sự lựa chọn đưa ra chỉ là hình thức. Thực chất, con đang phải chọn giữa điều cha mẹ muốn với điều con sẽ chịu phạt, thay vì sẽ chịu trách nhiệm như ta nhầm tưởng. Ngoài ra, nếu thiếu thông tin về những lựa chọn cha mẹ đưa ra, con có thể chỉ có một quyết định ngẫu nhiên, không hài lòng sau đó, dẫn đến những cuộc đấu tranh khác.
Nên đưa ra lựa chọn trong phạm vi chịu trách nhiệm của con, có phù hợp với sự nhận biết ở mỗi độ tuổi. Hãy chắc chắn con có thể biết mình đang lựa chọn giữa điều gì, cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với nó.
3. Đưa ra lựa chọn không giới hạn.
Con muốn cái nào? Con muốn ăn cái gì? Con muốn mặc cái gì? Con muốn chọn sách nào? Giữa một khu đồ chơi, giữa hai chục món trong menu, giữa cả tủ quần áo, giữa một giá sách vài chục quyển. Khi choáng ngợp bởi quá nhiều lựa chọn con sẽ không thể chọn. Hoặc, con chọn một, sau đó sẽ đổi lại và luôn khó cảm thấy hài lòng.
Thay vì thế, ta nên đưa cho con hai hoặc ba sự lựa chọn. Nếu không thể có lựa chọn giữa A hay B, ta có thể thu hẹp phạm vi lựa chọn như cho con chọn 3 quyển sách từ đống sách này thay vì từ giá sách.

 


4. Đưa ra lựa chọn quá thường xuyên.
Khi kích thích thể hiện nhu cầu quá nhiều, con có xu hướng luôn để ý đến nhu cầu của bản thân nhiều hơn, ít quan tâm đến nhu cầu của người xung quanh, lâu dài có thể trở nên luôn coi mình như trung tâm. Đây không khác nào sự nuông chiều. Trẻ thiếu sự tự kỷ luật, thiếu ranh giới.
Khi đưa ra lựa chọn quá thường xuyên, cho đến khi ta không có lựa chọn nào cho con, con bắt đầu mong đợi. Ví dụ thay vì con sẽ mong đợi được đi ngủ/ đi học nhưng con sẽ mong đợi là được chơi thêm bao lâu và đọc thêm bao nhiêu sách.
Ta nên để dành sự lựa chọn cho những lúc quan trọng, những lần chuyển đổi đầy thách thức hơn. Cho con lựa chọn khi con cảm thấy mất quyền kiểm soát hay hạn chế những cuộc đấu tranh.
5. Đưa ra lựa chọn khi không có sự lựa chọn.
Nếu không muốn nhận được câu trả lời "không" thì tốt nhất không nên đưa ra lựa chọn tương tự như "con muốn đi học không hay ở nhà", "con muốn đánh răng không?"
Cha mẹ sẽ cân nhắc khi biết có những vấn đề không có sự lựa chọn nào khác. Con cần phải tuân thủ hoặc cần hoàn thành trách nhiệm của mình. Như việc đánh răng rất tất yếu để bảo vệ răng, hay không thể cho con bỏ học trong khi bố mẹ không thể trông nom. Với mình, đi học cũng thuộc trách nhiệm của con.
6. Cho rằng đưa ra lựa chọn sẽ giải quyết được mọi việc.
Không phải lúc nào cho con lựa chọn cũng đạt hiệu quả, ta không nên kỳ vọng điều đó. Trong một số tình huống, con không thích thực hiện hoặc con tự chọn một điều khác hẳn. Những lúc đó, tiếp tục đưa thêm các lựa chọn mới để sửa chữa hay cố đàm phán sẽ đều không tác dụng. Điều nên làm hơn, ta sẽ mở rộng ra để kết nối, để hiểu con thực sự cần gì ở thời điểm ấy.
Ví dụ con không muốn đi học vì con đang làm dở việc nào đó. “con muốn đi học luôn hay sau 5 phút nữa”, nhưng đến lớp rồi, con vẫn không chịu vào, bạn tiếp tục cho con một lựa chọn khác "con muốn vào với mẹ hay tự vào" con rên rỉ không chọn, nên bạn lại cho con lựa chọn mới "con muốn vào lớp học hay đi về, ở một mình, bố mẹ đi làm."
Cuối cùng vấn đề vẫn không được giải quyết, kết thúc không mấy thoải mái cho đôi bên, còn các lựa chọn thì vẫn bỏ ngỏ, thiếu nhất quán. Có lẽ, khi này, con cần sự đồng cảm với nhu cầu muốn hoàn thành việc làm đang còn dang dở kia, muốn một cái ôm lâu hơn hay một khoảng chậm để khóc cho dịu đi những cảm xúc lớn. Ta hoàn toàn có thể làm thế với con ngay từ đầu cũng không cần đưa ra lựa chọn nào cả.
7. Thái độ của cha mẹ khi muốn con lựa chọn.
Cảm xúc của ta có thể phản ánh trong lời nói, nét mặt, giọng điệu, cơ thể. Sự cằn nhằn, ra lệnh, dọa nạt có thể khiến việc cho con lựa chọn phản tác dụng. Con sẽ cố gắng chọn cái người lớn muốn thay vì quyết định với cái bản thân muốn.
Kết lại Những điều mình cân nhắc khi cho con lựa chọn:
- Đưa ra lựa chọn có giới hạn.
- Các lựa chọn sẽ hướng tới việc cùng con có phương án giải quyết tình huống, thay vì chỉ thỏa mãn nhanh chóng lợi ích của một phía.
- Mỗi lựa chọn đều cần cân bằng giữa nhu cầu của cả hai, giải pháp thay thế phải có sự chấp nhận của người lớn.
- Hãy chắc chắn ta làm điều này với sự thiện chí cũng như lắng nghe con cái.
- Đôi khi, một lựa chọn khác được con đưa ra cũng không hẳn tệ, nếu nó hợp lý, cha mẹ có thể chấp nhận thì hãy cứ làm thế. Đó cũng là lúc con cảm thấy có trách nhiệm lắm đấy.
Nhunn

Tags: 
Bình luận ()
mua linh kiện, doc truyen co tich